Nhổ ra rồi liếm lại

Đồng Phụng Việt

9-10-2016

Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa bầu xong Tân Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Chí Linh, Giáo phận Thanh Hóa) và Phó Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Năng, Giáo phận Phát Diệm). Ngay sau đó, những diễn đàn điện tử, facebooker mà ai cũng biết là của ai, kêu trời vì “các chủ chăn cực đoan, thiếu thiện chí với chính quyền lên ngôi”.

***

Trừ Giám mục Nguyễn Thái Hợp (sẽ nói sau), trước giờ, dù theo dõi thời sự khá kỹ, mình  chưa thấy Giám mục Nguyễn Chí Linh và Giám mục Nguyễn Năng có hành động nào đáng để bị cáo buộc là “cực đoan, thiếu thiện chí với chính quyền”. Cũng vì vậy phải search coi tại sao, search xong thì thấy hai giám mục này “có thể” trở thành “các chủ chăn cực đoan, thiếu thiện chí với chính quyền” vì lẽ này:

Giám mục Nguyễn Chí Linh, sinh năm 1949. Ông muốn trở thành linh mục nên đi tu từ năm 13 tuổi. Đến năm 1977, khi Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt bị trưng dụng thì ông về nhà  “làm ruộng, đuổi gà”.

Tới đây phải mở ngoặc nói một chút về Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X. Đây là một Đại Chủng viện (nơi đào tạo các linh mục) như mọi Đại Chủng viện khác song do Dòng Tên điều hành.

Công giáo có nhiều dòng tu, mỗi dòng tu có tôn chỉ khác nhau nên cách tuyển chọn – đào tạo khác nhau. Ví dụ Dòng Anh em Thuyết giáo (Đa Minh) nhắm vào thuyết giáo nên tu sĩ thường là những người mà kiến thức về xã hội rất rộng, diễn giảng rất giỏi. Dòng Tiểu đệ – Tiểu muội thì nhắm đến việc đồng hành, phục vụ tầng lớp đói nghèo, sống dưới đáy xã hội (những người buôn gánh, bán bưng, phu khuân vác,…) nên tu sĩ phải thông thạo vài nghề tay chân (Giám mục Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Giáo phận Huế – vị Giám mục mà nhiều người tin rằng đã bị chính quyền đầu độc vì cứng đầu – là một tu sĩ của Dòng Tiểu đệ – Tiểu muội)… Dòng Tên (đúng ra phải gọi là Dòng Chúa Giê su) thì là nơi tập hợp các chuyên gia về khoa học (cả tự nhiên lẫn xã hội, nhân văn) của Công giáo nên trí tuệ là một tiêu chí quan trọng đối với tu sĩ Dòng Tên. Cũng vì vậy, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X không phải là chỗ dành cho những người làng nhàng.  

Theo tiểu sử của Giám mục Nguyễn Chí Linh thì nhờ “ơn Đảng, ơn Nhà nước”, ông có 15 năm “làm ruộng, đuổi gà”.

Có lẽ nên nhắc thêm một chút là sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn Việt Nam, chính quyền buộc Giáo hội Công giáo Việt Nam phải trình lý lịch những ứng viên mà họ muốn “truyền chức linh mục” để chính quyền xem và duyệt. Việc xem và duyệt kéo dài hàng chục năm hay hơn nữa là… bình thường. Đó cũng là lý do nhiều tu sĩ vượt biên, nhiều tu sĩ khác tuyệt vọng, lập gia đình, bỏ dở ước vọng phục vụ tha nhân của mình! Giám mục Nguyễn Chí Linh chỉ là một trong vô số nạn nhân. Thay vì trở thành linh mục năm 28 tuổi, Giám mục Nguyễn Chí Linh lăn lóc trong hơn một thập niên rồi trở thành linh mục năm 43 tuổi. Ba năm sau, ông được cử sang Pháp du học, lấy xong học vị Tiến sĩ Triết thì quay về dạy tại Đại Chủng viện Sao Biển ở Nha Trang. Năm 2004 được tấn phong giám mục.

Tiểu sủ của Giám mục Nguyễn Năng cũng vậy. Vị giám mục này sinh năm 1953. Cũng vì muốn trở thành linh mục nên đi tu từ năm 9 tuổi. Ông cũng được tuyển vào Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt và năm 1977, nhờ “ơn Đảng, ơn Nhà nước” mà được về quê “làm ruộng, đuổi gà” trong 13 năm rồi mới được Đảng, Nhà nước gật đầu cho làm linh mục. Rồi ông cũng đi du học, cũng lấy xong học vị Tiến sĩ  thì quay về dạy tại Đại Chủng viện Xuân Lộc ở Đồng Nai. Năm 2009 ông được tấn phong Giám mục.

***

Ngày 3 tháng 10 vừa rồi, khi Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc Đại hội 13 để bầu chọn nhân sự cho nhiệm kỳ 2016 – 2019, ông Nguyễn Thiên Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã đến chúc mừng. Đây là chuyện xưa nay hiếm. Nó diễn ra ngay sau khi giáo dân Giáo phận Vinh liên tục biểu tình đòi đóng cửa nhà máy thép của Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng – Hà Tĩnh.

Hôm đó, ông Nhân nói rất nhiều chuyện, ví dụ sắp có Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo để  “bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân và khẳng định những giá trị tốt đẹp mà các tôn giáo đã đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc”.

Ví dụ Đảng, Nhà nước “luôn lắng nghe ý kiến của các tôn giáo nói chung và của đồng bào Công giáo nói riêng” và “sẽ đồng hành cùng các tôn giáo nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng để đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ông Nhân hy vọng rằng “Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy truyền thống yêu nước và đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới” vì “ở đâu có đồng bào công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu, bình an và phát triển”…

Mình không có thời gian xem tiểu sử từng giám mục để làm thống kê nhưng nếu ước đoán của mình không lầm thì ít nhất Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có khỏang 50% thành viên từng có diễm phúc thụ hưởng “ơn Đảng, ơn Nhà nước” như giám mục Nguyễn Chí Linh và Nguyễn Năng. Liệu có bao nhiêu người hiểu một cách tường tận về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước hơn những vị giám mục này?

Khi đối diện với ai đó hiểu mình rất rõ, người ta hoặc sẽ rất hoan hỉ do tìm được tri kỷ hoặc sẽ cực kỳ âu lo, căng thẳng vì rõ ràng là chẳng dễ chút nào khi muốn gạt những kẻ hiểu mình rất rõ . “Cực đoan, thiếu thiện chí với chính quyền”, kêu trời về “sự thắng thế của phe cực đoan có xu hướng đối đầu trong nội bộ của Hội đồng Giám mục Việt Nam” dường như là một dự đoán trong bối cảnh vốn đã rất đáng tuyệt vọng?

***

Theo Wikipedia thì Giám mục Nguyễn Thái Hợp sinh năm 1945 và là một tu sĩ của Dòng Anh em Thuyết gíao. Năm 27 tuổi, sau khi thụ phong linh mục, ông sang châu Âu du học. Quê hương “giải phóng”, ông ở lại nước ngoài. Giảng dạy cả ở các đại học bình thường lẫn một số học viện của Công giáo. Năm 2004, ông trở về Việt Nam, phụ trách đào tạo cho Dòng Anh em Thuyết giáo ở Việt Nam. Năm 2010, ông được tấn phong làm giám mục và được giao trông coi Giáo phận Vinh.

Cần phải nhắc lại rằng, vì chủ trương đối thoại với chính quyền, Giám mục Nguyễn Thái Hợp  từng bị chỉ trích là “Giám mục Đỏ” trong một thời gian dài.

Theo dõi kỹ các hoạt động, những tuyên bố của  Giám mục Nguyễn Thái Hợp thì có thể thấy ông là một người rất kiên định trong việc góp sức để xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng cường. Hùng cường không nằm sẵn trong miệng, mửa ra là có. Đó là tiến trình khởi đi từ tôn trọng nhân vị và Giám mục Nguyễn Thái Hợp kiên trì theo đuổi điều này bất kể thị phi.

Bảo vệ môi trường, quyền được sống an lành dẫu phải xem là tất nhiên nhưng nó không tương đồng với lợi ích của chính quyền thì phải thóa mạ và răn đe những người cổ súy và vì vậy, phải biến Giám mục Nguyễn Thái Hợp thành “bia”.

Bởi nhiều người, kể cả những người mà lợi ích gắn bó hoặc ít nhiều, hoặc mật thiết với Đảng, Nhà nước cũng thấy bảo vệ môi trường, quyền được sống an lành là tất nhiên, Đảng, Nhà nước phải tìm một “động cơ” gắn vào cho Giám mục Nguyễn Thái Hợp. “Động cơ” đó là “thù hận”.

Nếu không phải “an ninh nhân dân” thì người nào có đủ khả năng biết cha của Giám mục Nguyễn Thái Hợp bị  Đội cải cách ruộng đất thủ tiêu oan để “tưởng tượng” vì “thù hận”, Giám mục Nguyễn Thái Hợp tự biến ông thành một “con bài chính trị” của… CIA?

Lối lập luận này làm người ta muốn mửa.

Những người đã từng được đào tạo “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” trước thập niên 1990 chắc chẳng lạ gì chuyện Đảng, Nhà nước chủ trương phải “thù hận” bất công, áp bức và không được quên “thù nhà, nợ nước”. Nó được xem là động lực để đưa “cách mạng” đến thành công. Tại sao sau khi “cách mạng” thành công, người ta không được phép “thù hận” bất công, áp bức như trước? “Trả thù nhà, đền nợ nước” lại trở thành cực đoan, cần lên án?

Cứ cho là Giám mục Nguyễn Thái Hợp vẫn còn “thâm thù muốn bài trừ cộng sản” thì giữa “tranh đấu bất bạo động” – như cáo buộc, với đặt mìn, liệng lựu đạn, tổ chức các nhóm ám sát chuyên thủ tiêu các phần tử “có nợ máu với nhân dân” thì người ta nên chọn phương thức nào? Phải chăng “tranh đấu bất bạo động” bị lên án vì nó xa rời chủ trương phải dùng “bạo lực cách mạng”?

Cảnh báo phải cảnh giác Giám mục Nguyễn Thái Hợp vì “cha ông ta bị… ta giết” có lẽ là minh họa sinh động nhất cho bản chất của chính sách “hòa hợp, hòa giải, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”!

***

Mức độ lệch lạc của Đảng, Nhà nước dường như càng ngày càng trầm trọng: Chọc cho thiên hạ thóa mạ mình chưa đủ đạt tới cực khoái mà phải tự mình thóa mạ mình mới thỏa mãn.

4 thoughts on “Nhổ ra rồi liếm lại

  1. Pingback: Nhổ ra rồi liếm lại | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  2. Bài viết rất hay và thuyết phục. Nhưng coi chừng những người như ông Hồng Vinh lại giả danh “một người công giáo” phản bác lại hết trọi , đổi trắng thay đen đó nha.

  3. Pingback: Nhổ ra rồi liếm lại | Chuyển Hóa

  4. “Nếu không phải “an ninh nhân dân” thì người nào có đủ khả năng biết cha của Giám mục Nguyễn Thái Hợp bị Đội cải cách ruộng đất thủ tiêu oan để “tưởng tượng” vì “thù hận”, Giám mục Nguyễn Thái Hợp tự biến ông thành một “con bài chính trị” của… CIA?

    Lối lập luận này làm người ta muốn mửa.”

    Đúng thế . Ở VN mình có biết bao nhiêu người theo Đảng đứng lên đấu tố cả cha mẹ, rồi mặc dù cha mẹ bị Đảng hành hình, vẫn viết thư tâm huyết từ cha mẹ, phấn đấu 1 lòng với Đảng để được Đảng tin cậy. Lập luận kiểu hễ cha mẹ bị Đảng hành hình là làm tay sai cho CIA quả là muốn mửa thật!

    Đảng nên tin những người này, vì cha mẹ họ họ còn từ để theo Đảng thì không ai có lòng thành với Đảng hơn đâu .

Bình luận về bài viết này